Khi một người muốn tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa đời sống mình, lời cầu nguyện đầu tiên mà người ấy thưa với Chúa thường là những câu nói ngắn, lặp lại theo lời người hướng dẫn với nội dung bày tỏ quyết định tin nhận Chúa của mình và kết thúc bằng câu: “Nhân danh Đức Chúa Jesus – A-men”; Lần đầu tiên từ ‘A-men’ được tân tín hữu ấy lặp lại một cách máy móc mà chẳng biết nghĩa của nó là gì.
Rồi sau đó đi nhà thờ, người ấy lại tiếp tục nghe những tiếng A-men của hội chúng khi kết thúc lời cầu nguyện hoặc người ấy được hướng dẫn rằng phải đồng thanh đáp lại ‘A-men’ khi nghe lời cầu nguyện kết thúc: “Nhân danh Chúa Giê-xu Christ”, và sau lời cầu nguyện của chính mình cũng phải nói A-men…
Vậy A-men là gì và tại sao lại phải nói A-men?
1. A-Men Trong Cựu Ước
Trong tiếng Hê-bơ-rơ A-men là “chắc vậy, hẳn vậy”, nghĩa gốc của từ là “vững vàng, chắc chắn và đáng tin cậy”. Trong Tân Ước còn được mở rộng với ý nghĩa là “trung tín”, hay “sự thật”.
Trong Cựu Ước, A-men là một từ được dùng như một hình thức lễ nghi để hội chúng hoặc một người nào đó đồng tình với một lời hứa nguyện hoặc chấp nhận hậu quả của một lời rủa sả. Ví dụ
như trong Dân số ký 5:22 “Nước đắng giáng rủa sả nầy khá chui vào ruột gan làm cho bụng ngươi phình lên và ốm lòi hông. Người nữ sẽ nói rằng: A-men, A-men”, hoặc trong Phục truyền 27:15 “Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, công việc bởi tay người thợ, – dựng nó lên trong nơi kín nhiệm! Cả dân sự phải đáp:A-men!”.

A-men cũng dùng để đáp lại lời chúc phước như trong I Sử ký 16:36 “Đáng khen ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Từ đời đời cho đến đời đời! Cả dân sự đều đáp rằng: A-men! Và ngợi khen Đức Giê-hô-va.” Hoặc dùng sau lời tôn vinh Chúa như trong Thi Thiên 41:13 “Đáng ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời!A-men, A-men!” v.v…
Đó là một số cách dùng từ A-men chúng ta gặp trong Cựu Ước.”
2. A-Men Trong Tân Ước
Trong Tân Ước, từ A-men cũng thấy xuất hiện sau những lời chúc tụng Chúa như trong Cựu Ước: “Vì muôn vật đều là từ Ngài,bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men.” (Rô-ma 11:36).
A-men thường được dùng trong phần kết thúc lời cầu nguyện và lời chúc tụng hoặc lời đáp lại trong buổi thờ phượng chung “Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì,thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại rằng “A-men” được?” (I Cô-rinh-tô 14:16). Ở đây từ A-men cho thấy người nói liên kết mình với lời cầu nguyện của người đại diện rằng mình hiểu rõ và đồng tình với lời cầu nguyện ấy.
Cuối các bài Thánh ca trong sách Khải Huyền cũng có từ A-men với ý nghĩa là một lời tung hô, ca ngợi: “Tôi lại nghe mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất, trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen,tôn quí, vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời! Rồi bốn con sinh vật đều nói: A-men! Và các trưởng lão sấp mình xuống mà thờ lạy.” (Khải 5:13,14). Trong tinh thần đó, ngày nay cuối các bài hát trong Thánh ca thường kết thúc bằng từ A-men.
Đặc biệt, Chúa Giê-xu thường dùng từ A-men để mở đầu câu nói: “A-men, Ta nói cùng các con”, bản dịch của chúng ta dịch A-men là “Quả thật, quả thật”. Cuối cùng, từ A-men còn được dùng như một danh xưng của Chúa chúng ta: Đấng A-men, “Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Lao-đi-xê rằng: Nầy là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật, Đấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời:…” (Khải 3:14).
Đó là một số cách dùng từ A-men trong Tân Ước.”
Mục sư Trương Thiên Tín
(còn tiếp)